Tùy theo mỗi một vùng đất mà mật ong sẽ cho hương vị khác nhau. Ở huyện Trà Bồng, mật ong thường có vị ngọt thanh, dịu nhẹ, ngạt ngào của hương hoa quế, là đặc sản quý của người Cor và được nhiều người tìm mua mỗi khi ghé thăm vùng đất này.
Sản vật quý của người Cor
Trong cuốn sách “Văn hóa cổ truyền của dân tộc Cor” do nhà nghiên cứu Cao Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh biên soạn đã nêu nhận định, đánh giá của nhiều chuyên gia từ các nơi sau khi đến Trà Bồng tham quan và thưởng thức mật ong, họ đã khẳng định mật ong hoa quế là một trong những loại mật ong thuộc loại quý nhất trong các loại mật ong ở Việt Nam và đúng là một đặc sản quý giá của người Cor.
Nghề lấy mật ong hoa quế đã gắn liền với đời sống người Cor ở Trà Bồng từ bao đời nay, phổ biến ở các ngôi làng. Bởi thế, trong những bộ gu của người Cor ngoài khắc vạch hình thù của chim, thú, cây cối, hoa văn hình học, cảnh lễ hội ăn trâu… thì chỉ có hai cảnh phản ánh đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Cor, đó là cảnh đi săn và người đi lấy mật ong. Điều đó cho thấy, xa xưa người Cor đã biết lấy mật ong. Từ lúc cây quế hiện diện trên vùng đất này, mật ong hoa quế đã là một sản vật quý giá của người Cor, được mang ra giao thương, đổi chác.
Một ổ mật ong được người dân ở Trà Thủy thu hoạch trong rừng quế.
Chất lượng của mật phụ thuộc vào các loại hoa rừng. Cây quế truyền thống ở huyện Trà Bồng với đặc trưng là cây dược liệu có hàm lượng tinh dầu cao và đã có kiểm chứng trên thực tế thì khi ong rừng hút mật từ hoa quế sẽ tạo nên một sản phẩm hảo hạng, không nơi nào sánh bằng.
Mật ong ngon nhất phải được khai thác ở rừng sâu, nơi còn có những cánh rừng quế cổ thụ bạt ngàn, nhất là ở các xã khu Tây huyện Trà Bồng (Tây Trà cũ) và các xã Trà Hiệp, Trà Thủy… Lúc thời tiết nắng ráo, người dân đi thu hoạch rầm rộ. Nếu may mắn có ổ nhiều mật, họ sẽ dự trữ để sử dụng và bán quanh năm.
Một thời từng lặn lội khắp các rừng quế ở địa phương, chắt chiu từng giọt mật nơi đầu nguồn để mưu sinh nên ông Hồ Ngọc An (66 tuổi) ở thôn 2, xã Trà Thủy nắm rất rõ về quá trình khai thác, giá trị mật ong hoa quế ở vùng đất của quê hương. Ông cho hay, trước khi khai thác, các thanh niên, trai tráng trong làng phải vào rừng để dò tìm và làm dấu khẳng định quyền sở hữu vào thân quế. Khoảng 15 ngày sau, khi lượng mật lấp đầy tổ, những thanh niên mới bắt đầu tìm cách khai thác. Để có được những lít mật ong hoa quế là cả một quá trình kỳ công, thậm chí là đánh đổi cả tính mạng để chiến đấu với các loại ong nguy hiểm.
Đầu tiên là cắt dây rừng chắc dẻo, lần lượt buộc vào thân cây từ thấp đến cao, làm nài cho người leo cây dễ dàng bám vào thân cây và di chuyển lên cao. Người ở trên cùng có nhiệm vụ cắt tổ ong, người thứ hai đeo gùi để đựng, người dưới cùng cầm đuốc xông, xua đuổi ong bay đi… Sau đó, họ nhanh chóng rứt lấy mật bỏ vào gùi được lót kín, lấy sáp ong bỏ vào bao, cột kỹ rồi thả thòng xuống đất và nhanh chóng di chuyển ra khỏi vị trí nguy hiểm.
“Vất vả, đầy nguy hiểm khi khai thác nhưng mỗi tổ ong thường cho khoảng 4 - 5 lít, cá biệt có tổ vài chục lít. Chính những giá trị đặc trưng của mật ong được khai thác từ rừng quế và sự vất vả trong quá trình khai thác mà mật ong hoa quế cho giá trị kinh tế cao. Trong khoảng một năm trở lại đây, do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều diện tích rừng quế bị gãy đổ nên lượng mật ong thu hoạch khan hiếm hơn”, ông An chia sẻ.
Mật ong hoa quế có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Một trong những bài thuốc mà người đồng bào thường truyền tai nhau để sử dụng, đó là trị bệnh đau bụng, có hiệu quả ngay mà không cần dùng đến thuốc tây. Ngoài ra, mật ong còn kết hợp với nhiều loại nguyên liệu khác tốt cho sức khỏe, trị bệnh dạ dày, trị ho, làm đẹp.
“Giá chát” nhưng tiêu thụ mạnh
Mỗi chuyến đi đến với huyện vùng cao Trà Bồng, nhiều người không quên “tay xách, nách mang” các loại đặc sản, các sản phẩm được chế biến từ quế. Mật ong tự nhiên từ rừng quế là một trong những sản vật được nhiều người săn lùng để mua, mang về sử dụng, làm quà biếu.
Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến một trong những cơ sở uy tín trong vùng. Bà Trần Thị Minh Hiếu, 54 tuổi, chủ cơ sở thương hiệu quế Hiếu Dũng, ở xã Trà Sơn mang ra hai chai mật ong chào khách. Một loại có màu vàng nâu nhạt, pha đỏ, trong suốt, óng ả, bà giới thiệu có giá 600 nghìn đồng/lít và một loại giá cả thấp hơn 300 nghìn đồng/lít, có màu nâu đen. Theo bà Hiếu, loại mật ong có giá cả đắt hơn là mật ong hoa quế chính gốc của Trà Bồng, do người dân trong vùng trực tiếp đi khai thác mang về và được trữ bán quanh năm.
Mật ong thu hoạch từ các rừng quế có giá cao hơn so với các loại mật ong khác.
“Mật ong hoa quế là loại ngon nhất, nên người Cor trong vùng mang đến bao nhiêu tôi đều mua để bán lại cho người dân và khách du lịch. Khách hàng mua mỗi lần từ 5 -10 lít mang về sử dụng dần hoặc chia sẻ lại với người thân. Dù có giá thành cao nhưng mật ong hoa quế có bao nhiêu đều tiêu thụ nhanh chóng”, bà Hiếu chia sẻ.
Mở nắp, mật ong hoa quế có hương thơm dịu nhẹ, lan tỏa hương quế ngào ngạt. Khi nhấm thử, giọt mật có vị ngọt thanh, dễ chịu, không hắt, không nồng và đắng như mật ong được hút từ các cánh rừng keo và các loại hoa khác.
Mật ong khai thác từ rừng keo (trái) và mật ong khai thác từ rừng quế (phải) có sự khác biệt với nhau về màu sắc bên ngoài.
“Cách cơ bản nhất phân biệt mật ong hoa quế và mật ong từ các rừng keo, đó là sự khác biệt về màu sắc. Đối với mật ong hoa quế có thời gian sử dụng, bảo quản lâu hơn, màu sắc không đổi như khi mới thu hoạch. Ngược lại, loại mật ong thu hoạch từ rừng keo sẽ chuyển sang màu nâu xẩm nếu bảo quản không tốt hoặc để quá lâu”. Bà TRẦN THỊ MINH HIẾU - Xã Trà Sơn (Trà Bồng).
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng Huỳnh Thị Thanh Thúy, giá trị từ mật ong đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người Cor. Để có nguồn mật ong dồi dào, khai thác một cách bền vững, lâu dài, địa phương khuyến khích người dân khi thu hoạch phải gắn liền với công tác bảo vệ rừng; giao cho cho cộng đồng dân cư và các hộ gia đình quản lý nghiêm phần diện tích đất rừng quản lý và khai thác mật hợp lý, không làm mất cân bằng hệ sinh thái rừng. Đối với sản phẩm mật ong, đặc biệt là mật ong hoa quế, huyện đang có kế hoạch xây dựng, phát triển thành sản phẩm OCOP trong thời gian đến.
Tổng hợp: Đam San Store Bài, ảnh: THIÊN HẬU Nguồn: Báo Quảng Ngãi
Hương Vị Truyền Thống Việt! Đam San Store - Đặc Sản Pro
Tags: Đặc sản Quảng Ngãi Thực phẩm Dưỡng chất Mật ong Hoa quế